Theo nghị định số 79/2014/NĐ-CP ban hành ngày 31 tháng 7 năm 2014 quy định về phòng cháy chữa cháy. Nội dung nghị định bao gồm các yêu cầu bắt buộc về các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn an toàn cháy nổ; bao quát hầu hết các đối tượng như: hộ gia đình, trường học, bệnh viện, nhà kho, nhà xưởng, bệnh viện, các tòa nhà chung cư,… Tại đây, Chúng tôi sẽ giới thiệu đến Quý Vị một cách chi tiết quy định về phòng cháy chữa cháy đối với đối tượng là nhà kho, nhà xưởng thuộc sở hữu doanh nghiệp, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với công tác PCCC. Kính mời Quý Vị theo dõi!
Quy định về phòng cháy chữa cháy nhà kho, nhà xưởng đối với doanh nghiệp
Quy định về PCCC đối với nhà kho nhà xưởng trực thuộc doanh nghiệp nằm trong nghị định số 79 gồm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn cháy nổ từ khi thi công xây dựng, thẩm duyệt bàn giao, đến duy trì hoạt động. Cùng với đó là trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn cháy nổ tại cơ sở. Cụ thể gồm các quy định:
- Quy định về yêu cầu an toàn PCCC khi thiết lập dự án, thiết kế xây dựng công trình
- Quy định về thiết kế và thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy
- Quy định về điều kiện an toàn PCCC nhà xưởng, nhà kho đối với doanh nghiệp
- Quy định về trách nhiệm PCCC của doanh nghiệp đối nhà kho, nhà xưởng
Quy định về yêu cầu an toàn PCCC khi thiết lập dự án, thiết kế xây dựng công trình
Nội dung điều 13 nghị định 79, quy định nội quy phòng cháy chữa cháy trong các trường hợp cải tạo – thay đổi tính chất sử dụng công trình; lập dự án thiết kế xây mới công trình thuộc diện cần thẩm duyệt. Cụ thể, điều luật này nêu rõ các quy định về phòng cháy chữa cháy nhà xưởng – nhà kho từ giai đoạn lập dự án – thiết kế xây dựng công trình:
- Địa điểm xây dựng công trình phải bảo đảm khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình xung quanh.
- Bậc chịu lửa của công trình phải phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình; có giải pháp bảo đảm ngăn cháy và chống cháy lan giữa các hạng mục của công trình và giữa công trình này với công trình khác.
- Công nghệ sản xuất, hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, chống nổ của công trình và việc bố trí hệ thống kỹ thuật, thiết bị, vật tư phải bảo đảm các yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
- Lối thoát nạn (cửa, lối đi, hành lang, cầu thang thoát nạn), thiết bị chiếu sáng, thông gió hút khói, chỉ dẫn lối thoát nạn, báo tín hiệu; phương tiện cứu người phải bảo đảm cho việc thoát nạn nhanh chóng, an toàn.
- Hệ thống giao thông, bãi đỗ phục vụ cho phương tiện chữa cháy cơ giới hoạt động phải bảo đảm kích thước và tải trọng; hệ thống cấp nước chữa cháy phải bảo đảm yêu cầu phục vụ chữa cháy.
- Hệ thống báo cháy, chữa cháy và phương tiện chữa cháy khác phải bảo đảm số lượng; vị trí lắp đặt và các thông số kỹ thuật phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của công trình theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy.
Như vậy, kinh phí cho các hạng mục PCCC cần phải được dự toán trong dự án và thiết kế công trình.
Quy định về thiết kế và thẩm duyệt thiết kế PCCC
Theo nghị định, các nhà kho – nhà xưởng có khối tích từ 1000m³ trở lên yêu cầu bắt buộc phải có thiết kế và được thẩm duyệt thiết kế PCCC. Các nhà kho, nhà xưởng nhỏ thì không bắt buộc nhưng phải đảm bảo các quy định PCCC tiêu chuẩn.
Để thẩm duyệt thiết kế PCCC công trình, các đơn vị phải nộp đầy đủ hồ sơ thẩm duyệt đến Cục Cảnh Sát PCCC, và cứu hộ, cứu nạn. Hồ sơ thẩm duyệt bao gồm các giấy tờ liên quan như:
- Đơn đề nghị xem xét, xin ý kiến về giải pháp PCCC
- Văn bản của cấp có thẩm quyền về việc cho phép đầu tư (Bản sao công chứng);
- Bảng dự toán tổng kinh phí đầu tư;
- Bản vẽ công trình cùng thuyết minh thiết kế cơ sở, trong đó đáp ứng được các giải pháp PCCC quy định tại Điều 13 nêu trên.
- Văn bản ủy quyền của doanh nghiệp cho đơn vị thiết kế – thi công PCCC. Yêu cầu khi doanh nghiệp ủy thác toàn bộ dự án cho đơn vị thi công, thiết kế.
Thời hạn thẩm duyệt thiết kế PCCC không quá 10 ngày làm việc đối với thiết kế công trình nhóm A; và 5 ngày làm việc với thiết kế công trình nhóm B, C.
Quy định về điều kiện an toàn PCCC nhà kho, nhà xưởng đối với doanh nghiệp
Trong quá trình vận hành hoạt động của nhà kho – nhà xưởng, doanh nghiệp bắt buộc phải tuân thủ các quy định về điều kiện an toàn PCCC. Điều này nhằm đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ luật PCCC, đảm bảo an toàn cháy nổ cho nhà xưởng, nhà kho của doanh nghiệp. Quy định gồm:
- Yêu cầu có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở.
- Yêu cầu có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở.
- Yêu cầu về hạ tầng cơ sở: Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
- Yêu cầu về quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
- Yêu cầu về lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
- Yêu cầu có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.
- Yêu cầu về hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.
- Yêu cầu có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với công trình Nhà kho hàng hóa, vật tư “có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.
- Yêu cầu có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Bộ Công an.
*Note: Các tiêu chuẩn PCCC nêu trên phải được duy trì thực hiện trong suốt quá trình vận hành. Các cơ quan chức năng có thể kiểm tra các cơ sở nhà kho, nhà xưởng để đảm bảo tiêu chuẩn được thực thi đúng pháp luật.
Trách nhiệm tham gia PCCC đối với doanh nghiệp
Nghị định 79 quy định rất rõ ràng trách nhiệm của doanh nghiệp đối với công tác PCCC tại cơ sở kho, nhà xưởng đơn vị mình vận hành. Từ đó, Chúng tôi xin tổng kết các quy định về phòng cháy chữa cháy nhà xưởng – nhà kho mà doanh nghiệp bắt buộc phải đảm bảo dưới đây:
- Doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các điều kiện, yêu cầu an toàn PCCC theo nghị định 79. Doanh nghiệp sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật khi không đảm bảo được các điều kiện, yêu cầu an toàn PCCC đã được nêu tại nghị định.
- Doanh nghiệp phải tổ chức, thành lập đội PCCC tại chỗ nhằm phản ứng nhanh các trường hợp cháy nổ. Nhân sự đội PCCC yêu cầu phải được huấn luyện nghiệp vụ PCCC, kỹ năng hướng dẫn thoát nạn và sơ cấp cứu cho người bị nạn. Về số lượng nhân sự tùy thuộc vào mô hình, quy mô nhân sự nhà kho của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp bắt buộc phải trang bị và lắp đặt các bảng nội quy về PCCC, bảng cấm lửa, bảng cấm hút thuốc trong khuôn viên kho, nhà xưởng, hoặc tại khu vực có nguy cơ xảy ra cháy nổ.
- Doanh nghiệp phải tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm an toàn cháy nổ cho nhân viên; thường xuyên giám sát và có thể đưa ra hình thức xử phạt cụ thể nếu cần thiết.
- Nghiêm cấm sử dụng nguồn lửa hoặc nguồn nhiệt bên trong hay bên cạnh nhà kho, nhà xưởng.
- Doanh nghiệp phải đảm bảo kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị – hệ thống PCCC nhà xưởng, nhà kho và các thiết bị liên quan như: Hệ thống điện, hệ thống chống sét, chống tĩnh điện,…
- Hàng hóa trong nhà kho phải được sắp xếp gọn gàng, khoa học, có lối đi thông thoáng. Hàng hóa nên được sắp xếp xen kẽ theo mức độ an toàn cháy nổ: hàng dễ cháy xen kẽ hàng khó cháy…
- Lối di chuyển trong kho hàng phải được đảm bảo thông thoáng. Kho hàng nên trang bị các cửa thoát hiểm để phân tán các vị trí thuận tiện cho nhân viên kho – nhà xưởng di tản khi có sự cố.
- Nếu kho hàng của doanh nghiệp là thuê của bên thứ 2, doanh nghiệp cần xác định trách nhiệm trong PCCC của các bên một cách rõ ràng trên hợp đồng thuê.
- Kho hàng doanh nghiệp tuyệt đối không lưu trữ hàng hóa là chất cấm, không lưu trữ các chất liệu dễ gây cháy nổ như xăng dầu, gas, hóa chất(nếu không phải kho chuyên dụng).
Như vậy, Doanh nghiệp có vai trò, trách nhiệm rất lớn trong công tác bảo đảm an toàn cháy nổ. Doanh nghiệp cần phải đầu tư chi phí thiết kế, thi công các hạ tầng – thiết bị an toàn PCCC; bổ nhiệm nhân lực trong công tác PCCC; duy trì vận hành và giám sát thực thi tại cơ sở nhà xưởng – nhà kho. Tuy nhiên, đi kèm với trách nhiệm thì cũng có lợi ích. Đó là lợi ích đảm bảo an toàn về cháy nổ cho hạ tầng công trình kho – nhà xưởng; an toàn cho đội ngũ nhân sự, cán bộ nhân viên và hàng hóa. Bên cạnh đó còn có rất nhiều lợi ích vô hình khác nữa.